Hiển thị các bài đăng có nhãn phap-luat. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn phap-luat. Hiển thị tất cả bài đăng

Khi ban quản trị 'vượt quyền' tại chung cư?

Được lập ra với mục đích bảo vệ quyền lợi và phục vụ nhu cầu chung của cư dân nhưng thực tế tại không ít chung cư, cách hành xử của Ban quản trị khiến người dân khốn đốn.
Chia sẻ tại hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?", anh Nguyễn Tấn Bảo, cư dân chung cư Masteri Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) trình bày một thực tế đang diễn ra tại chung cư mình sinh sống. Anh Bảo cho biết, Masteri Thảo Điền được định vị là một chung cư cao cấp tại quận 2 trước đây (TP. Thủ Đức hiện tại) tuy nhiên người dân sinh sống trong chung cư này đang phải chịu nhiều bất công rõ ràng từ phía sai phạm của Ban quản trị dự án này.

Cụ thể Ban quản trị chung cư này đã vi phạm quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính được quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD nhưng đến nay vẫn không có cơ quan nào giải quyết. “Ban quản trị tòa nhà không công bố quy chế hoạt động, không công bố báo cáo thu chi tài chính hàng tháng, sử dụng quỹ quản lý vận hành do cư dân đóng góp sai mục đích và trong suốt 2 năm qua cũng không tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên. Đặc biệt, Ban quản trị còn tự ý ra quy định một cách hết sức ngang ngược, rằng những trao đổi, hoạt động giữa Ban quản trị và Ban quản lý là những thông tin mật, không được phép công khai, thảo luận.

"Những sai phạm rõ như ban ngày. Tuy nhiên, trong suốt gần 1 năm qua, cư dân chúng tôi phản ánh nhiều nơi nhưng không được xử lý”, ông Bảo bức xúc. Ông cho biết vào tháng 12/2020, đại diện cư dân đã gửi đơn tố cáo các hành vi vi phạm này đến Thanh tra Sở Xây dựng nhưng không nhận được trả lời. Tiếp tục gửi đơn cho UBND quận 2 thì hồ sơ được chuyển về UBND phường Thảo Điền và sau cùng câu trả lời mà cư dân nhận được từ UNBD phường là họ không đủ thẩm quyền để xử lý. Cư dân lại một lần nữa gửi đơn lên UBND TP.Thủ Đức và đến nay cũng chưa có phản hồi.

Anh Nguyễn Tấn Bảo, cư dân chung cư Masteri Thảo Điền trình bày những bức xúc về tình trạng quản lý tại chung cư mình sinh sống với các cơ quan báo chí và quản lý tại TP.HCM

Không chỉ riêng ông Bảo và cư dân Masteri Thảo Điền mới bị Ban quản trị “hành”, rất nhiều chung cư cao cấp đến bình dân đều không ít khổ khi bị Ban quản trị cho mình quyền tự làm trái luật. Bà Phạm Thị Phúc, cư dân chung cư Central Garden, quận 1, cho biết bà sinh sống 13 năm tại chung cư nhưng căn hộ chưa bao giờ được sửa chữa với lý do không có phí bảo trì.

Ý kiến chuyên gia về quy trình để cư dân chung cư đấu tranh khi phát hiện dấu hiệu lạm quyền của ban quản trị

Tình trạng ban quản trị ở các chung cư lạm quyền, "rút ruột" tài chính của cư dân ngày càng trở nên phổ biến mà báo chí đã đưa tin rất nhiều trong thời gian qua. Thậm chí ban quản trị tự cho mình cái quyền làm "vua chung cư", "vừa đá bóng vừa thổi còi" với tất cả hoạt động vận hành chung cư, toàn quyền thực hiện các nghiệp vụ thu/chi sai quyền hạn được quy định ở pháp luật cũng như điều lệ hoạt động của ban quản trị. Khi cư dân phát giác hoặc có nghi ngờ và đề nghị ban quản trị cung cấp dữ liệu để kiểm soát thì có ban quản trị "làm ngơ" không hợp tác, thậm chí chấp nhận "ngồi xỏm trên dư luận", thách thức trước nguyện vọng và ý chí của cư dân... Vậy làm thế nào để cư dân có thể đấu tranh với các tình trạng này? Bài viết dưới đây là chia sẻ của chuyên gia đã theo sát nhiều sự vụ ở chung cư nhằm giúp cư dân có cách hành xử đúng lý và hợp tình.


Các bước mà cư dân cần làm như sau: 


Bước 1: Thu thập các bằng chứng để có cơ sở chứng minh BQT lạm quyền, làm không đúng theo quy định pháp luật, nỗ lực đối thoại với ban quản trị để "quay đầu là bờ" nhưng thực tế rất ít ban quản trị dám nhận khuyết điểm, dám nếu có sai thì đền bù thiệt hại và xin lỗi trước cư dân, thậm chí xin từ nhiệm chức vụ.


Bước 2: Cư dân viết đơn tố cáo ban quản trị chung cư về việc lạm quyền, rút ruột tài chính, làm sai quy chế hoạt động chung cư, làm trái pháp luật, trốn thuế... và gửi đến các cơ quan gồm:

- Gửi đến đích danh chủ tịch UBND Phường.
- Gửi đến đích danh chủ tịch UBND Quận.
- Gửi đến đích danh chánh thanh tra Quận.
- Gửi đến đích danh trưởng phòng quản lý đô thị Quận.
- Gửi đến đích danh giám đốc Sở Xây Dựng.
- Gửi đến đích danh chi cục trưởng chi cục thuế Quận nếu tố cáo về hành vi trốn thuế.
- Gửi đến đích danh trưởng công an Quận nếu tố cáo hành vi trục lợi chiếm đoạt tài sản... 


Để đẩy nhanh tốc độ thanh/kiểm tra thì nên:

- Có nhiều đơn tố giác tập thể có chữ ký của nhiều cư dân, và thêm nữa nhiều cư dân có thể gửi cùng lúc.
- Nhóm cư dân có tâm huyết cần dành thời gian đến với buổi tiếp dân định kỳ của chủ tịch UBND quận và UBND phường để nói lên nguyện vọng chính đáng của đơn tố cáo.


Thời gian dành cho bước 2 này sẽ kéo dài một vài tháng với nhiều lần thanh - kiểm tra của nhiều cơ quan ban ngành chức năng từ cấp phường đến quận/huyện và cấp sở. Dựa trên cơ sở này để quyết định chọn bước thứ 3 vì bước 3 là bước đòi hỏi cơ sở pháp lý và bằng chứng chặt chẽ.


Bước 3: Gửi đơn kiện đến tòa án quận/huyện mà chung cư đang tọa lạc về các sai phạm của ban quản trị.


Đây là 3 bước làm đúng để bất kỳ cư dân nào cũng có thể bảo vệ lợi ích hợp pháp cho bản thân cũng như cho cư dân của chung cư mà ai cũng làm được.


PV


Đọc thêmNhững hoạt động đã được cư dân Luxcity thực hiện từ tháng 03/2021 đến nay để minh bạch trong công việc của ban quản trị chung cư



Tham dự group Cư dân Luxcity Quận 7: www.facebook.com/groups/cudanluxcityquan7tphcm


Quản lý nhà chung cư - các lưu ý từ kiểm toán viên

Luật Nhà ở 2014 đã có quy định về việc quản lý nhà chung cư, tuy nhiên tình trạng tranh chấp tại các dự án vẫn gia tăng không phân biệt chung cư bình dân hay cao cấp. Theo giới phân tích, một trong các lý do là bởi các văn bản dưới luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể và minh bạch. Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 2 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư là một hướng dẫn để thực hiện có hiệu lực từ ngày 2/4/2016. Thông tư 06/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 10 năm 2019 đã ban hành một số sửa đổi, bổ sung của các thông tư liên quan tới quản lý, sử dụng nhà chung cư. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020.



Tuy nhiên, việc quản lý tài chính chung cư vẫn còn gặp rất nhiều bất cập do việc quản lý tài chính không có bất kỳ một thông tư nào hướng dẫn cụ thể, chỉ là các Quy định của từng chung cư, dựa trên các quan hệ về hợp đồng, các công ty quản lý ghi nhận theo nguyên tắc thực thu thực chi thay vì dự thu dự chi, và việc Ban Quản trị làm việc bán thời gian và có sự thay đổi nhân sự liên tục để kiểm soát các công ty quản lý cũng tạo ra nhiều bất cập trong quá trình kiểm soát tài chính của chung cư.


1. Mối quan hệ giữa Chủ đầu tư, Công ty Quản lý, Ban Quản trị và Chủ sở hữu


Thường trong giai đoạn đầu tiên của vận hành nhà chung cư, Công ty Quản lý (BQL) sẽ có trách nhiệm về báo cáo thu chi quỹ vận hành, trong khi Chủ đầu tư (CĐT) có trách nhiệm đối với kinh phí bảo trì (và chủ đầu tư sẽ bàn giao trách nhiệm này cho Ban Quản trị chung cư sau khi Ban Quản trị chung cư được bầu ra).


Trách nhiệm của Công ty Quản lý đối với báo cáo thu chi quỹ vận hành:


- Lập và trình bày hợp lý báo cáo hoạt động thu chi quỹ vận hành theo các hợp đồng dịch vụ giữa Chủ đầu tư/ Ban Quản trị với các công ty quản lý.


- Thiết kế và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả và cần thiết cho việc lập báo cáo hoạt động thu chi quỹ vận hành


- Đảm bảo không có các gian lận/ nhầm lẫn trong việc lập các báo cáo thu chi quỹ vận hành.


Trách nhiệm của Chủ đầu tư đối với kinh phí bảo trì


Trong giai đoạn đầu, Chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập và trình bày báo cáo kinh phí bảo trì phản ánh trung thực và hợp lý số dư của kinh phí bảo trì đối với phần sở hữu chung và riêng của Chung cư. Trong quá trình lập báo cáo lần đầu này, Chủ đầu tư cần phải:


- Có trách nhiệm lập tài khoản tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để tạm quản lý kinh phí bảo trì đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu theo quy định của pháp luật; và


- Chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 108 của Luật Nhà ở sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.


- Thiết kế và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả cần thiết cho việc lập báo cáo kinh phí bảo trì không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn.


- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đảm bảo việc các sổ sách kế toán thích hợp được lưu giữ để trình bày kinh phí bảo trì, với mức độ chính xác hợp lý, tại bất kỳ thời điểm nào và đảm bảo rằng các sổ sách kế toán tuân thủ với chế độ kế toán đã được áp dụng.


- Chủ đầu tư cam kết đã tuân thủ những yêu cầu nêu trên trong việc lập báo cáo kinh phí bảo trì kèm theo.


Việc kiểm toán Báo cáo thu chi quỹ vận hành, báo cáo kinh phí bảo trì chung cư thường được tiến hành sau khi có sự bàn giao quản lý của các quỹ về cho Ban quản trị chung cư (BQT) những người được các Chủ sở hữu bầu ra.


Hầu hết các Ban Quản trị thường chờ có ý kiến của Công ty kiểm toán mới xác nhận các số liệu mà Chủ đầu tư bàn giao, tuy nhiên, việc chờ đợi thường mất thơi gian rất nhiều do các khó khăn nêu sau:


Lần đầu tiên kiểm toán luôn có nhiều khó khăn cho việc kiểm toán phải được thực hiện dựa trên mối quan hệ nhiều bên:

- Thông tin cung cấp bởi Chủ đầu tư cho giai đoạn chủ đầu tư tự quản lý
- Thông tin cung cấp bởi Công ty quản lý trong giai đoạn Chủ đầu tư thuê Công ty quản lý
- Thông tin cung cấp bởi Công ty quản lý trong giai đoạn Ban Quản trị thuê Công ty quản lý.


Việc cung cấp thông tin cho công ty kiểm toán luôn bị chậm và kéo dài bởi các thay đổi trong Chủ đầu tư, Công ty quản lý (từ Trưởng Ban Quản lý tới Kế toán phụ trách), và cũng từ sự thay đổi liên tục của các thành viên Ban Quản trị (người ký kết hợp đồng với kiểm toán viên). 


Để việc kiểm toán lần đầu được tiến hành hiệu quả, các Ban quản trị chung cư cần thống nhất sau:


- Quy chế Hoạt động của Ban Quản trị
- Quy chế thu chi tài chính của Ban Quản trị
- Biên bản bàn giao của Chủ đầu tư cho Ban Quản trị nêu rõ phần chung, phần riêng, Nội quy chung cư đã được gắn vào hợp đồng mua bán của từng Chủ sở hữu.
- Giai đoạn tài chính được kiểm toán và chốt thời gian kiểm toán.


Các góp ý cho Ban Quản trị:


- Xem xét Quy chế hoạt động của Ban Quản trị và Quy chế thu chi tài chính của Ban Quản trị ngay kỳ Hội nghị Nhà chung cư lần đầu và sử dụng quy chế này cho toàn bộ các hoạt động


- Xem xét hợp đồng với Công ty quản lý một cách chặt chẽ và sự kiểm soát của Ban Quản trị liên quan tới các khoản thu chi Quỹ vận hành


- Xem xét việc chuyển giao tạm thời toàn bộ số dư Quỹ kết dư từ Công ty quản lý do Chủ đầu tư bổ nhiệm / hoặc do chính Chủ đầu tư quản lý về ngay cho Công ty Quản lý do Ban Quản trị ký kết. Số dư chênh lệch/ thiếu hụt sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành kiểm toán lần đầu (thường mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện).


- Xem xét biên bản bàn giao của Chủ đầu tư một cách đầy đủ (phần chung/ riêng rõ ràng và có bản vẽ hoàn công đầy đủ làm cơ sở tính toán phần chung/ riêng)


- Có 1 nhân sự nắm rõ về quy trình kiểm toán và báo cáo tài chính để có thể theo dõi xuyên suốt quá trình bàn giao sổ sách/ chứng từ và báo cáo… từ CĐT/BQL tới BQT.


2. Các lưu ý về báo cáo thu chi quỹ vận hành:


Trong quá trình kiểm toán báo cáo thu chi quỹ vận hành, chúng tôi  thường gặp các vấn đề sau:


Giai đoạn đầu (tới 24 tháng kể từ khi bàn giao) - chi phí của chung và chi phí của CĐT lẫn lộn:


Một số chi phí của CĐT thường được đưa vào cho quỹ vận hành như: chi phí sửa chữa/ bảo trì, chi phí điện chung, ….


Chi phí điện trong giai đoạn đầu chưa lắp đặt công tơ, các công ty xây dựng/ lắp đặt sẽ sử dụng rất nhiều điện nhưng được phân bổ vào tiền điện chung của chung cư, dẫn tới việc chi phí điện rất là cao, trong khi đáng ra giai đoạn này chi phí điện sẽ cần  phải tính lại cho các nhà thầu.


Một ví dụ khác CĐT đã sử dụng ngân sách/ kỹ thuật của chung cư để dùng cho các việc của CĐT trong việc sửa chữa các căn hộ bị lỗi (chi phí bên trong căn hộ). Do vậy trong giai đoạn vận hành đầu tiên này mặc dù dân cư chưa về hết, các hệ thống máy móc thiết bị thường còn bảo hành, tuy nhiên số lượng cán bộ kỹ thuật của chung cư cao dẫn tới chi phí điện rất cao.


Ban Quản trị cần cân nhắc bóc tách các phần chi phí sử dụng riêng cho CĐT và yêu cầu CĐT chi trả lại cho quỹ vận hành.


Giai đoạn sau - ngân sách có phù hợp?


Giai đoạn sau thường Công ty Quản lý sẽ dựa trên ngân sách được chủ đầu tư thông qua để chi tiêu. Tuy nhiên, các Ban Quản trị cần lưu ý về việc ngân sách có phù hợp hay không để xem xét các số liệu chi có phù hợp không?


Chi phí nhân sự quản lý: số liệu nhân sự đưa ra trong danh sách có hoàn toàn 100% phục vụ dự án hay không? Hay một số nhân sự sẽ được công ty quản lý sử dụng cho 2-3 dự án và chia sẻ chi phí về chung cư của mình?


Chi phí bảo vệ: số lượng bảo vệ trong ngân sách và trên chi phí thường cao hơn số lượng bảo vệ thực sự có mặt tại chung cư. Ban Quản trị cần yêu cầu báo cáo kiểm soát số lượng bảo vệ và cắt giảm về số lượng đúng.


Chi phí điện: Ban Quản trị cần cân nhắc mức chi phí điện hợp lý và tiết kiệm, dựa trên công suất vận hành của chung cư thay vì dựa vào ngân sách đã đưa ra. Trong giai đoạn bán hàng, CĐT thường yêu cầu bật điện sáng ở toàn bộ các khu vực và do vậy, mức tiêu thụ điện sẽ cao. Cần có kế hoạch thay thế các nguyên liệu tiêu hao điện về mức tiết kiệm điện, khi cư dân về đủ chi phí tiền điện sẽ được giảm bớt.


Chi phí thay thế thiết bị: trong giai đoạn 2 năm đầu tiên, hầu hết máy móc thiết bị sẽ chưa cần bảo hành và thay thế nhiều, do vây mà chi phí trong báo cáo sẽ có nhiều khác biệt so với năm vận hành 3-4. Ban Quản trị cần làm việc chặt chẽ với BQL chung cư để đưa ra kế hoạch thay thế thiết bị, đặc biêt liên quan tới hệ thống thang máy, hệ thống nước thải, hệ thống điện của chung cư.


Việc sử dụng chi phí quỹ vận hành hay quỹ bảo trì chung cư cho việc thay thế các thiết bị cũng luôn là câu hỏi cần phải xem xét. BQT cần xem xét mức độ dài hạn so sánh với ngắn hạn trong việc sử dụng quỹ bảo trì. 


Các góp ý cho Ban Quản trị:


Ngân sách cần xem xét mức độ phù hợp như nêu trên cho số lượng nhân sự, bảo vệ, vệ sinh, …


Kiểm soát chi: bằng việc xem xét và đánh giá báo giá, xem xét điều khoản hợp đồng


Xem xét hợp đồng quản lý để tiết kiệm phần thuế Giá trị gia tăng cho phần nhân sự Ban Quản lý.


Tiết kiệm ngân sách bằng cách yêu cầu BQL xem xét đưa ra dự báo dòng tiền để có thể gửi tiết kiệm dài hạn cho số tiền trong quỹ kết dư (mức chênh lệch lãi suất ngân hàng có thể là 3-4%/ năm)


Xem xét các khoản mục mà CĐT cần phải bảo trì, bảo dưỡng thay vì lấy quỹ vận hành ra sử dụng


Xem xét các khoản mục mà đơn vị bảo hiểm cần phải chi trả thay vì lấy quỹ vận hành ra sử dụng.


3. Các lưu ý về báo cáo quỹ bảo trì 


Kinh phí bảo trì là khoản kinh phí thu từ các đồng chủ sở hữu với mức phí 2% trên tổng giá trị trước thuế của căn hộ (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). 


Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó. 


Kinh phí bảo trì chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư, không được sử dụng cho việc quản lý vận hành nhà chung cư và các mục đích khác; trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ mà kinh phí bảo trì chưa sử dụng hết thì được sử dụng để hỗ trợ tái định cư hoặc đưa vào quỹ bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư mới sau khi được xây dựng lại. 


Kinh phí bảo trì được chuyển vào tài khoản do Chủ đầu tư lập để quản lý, sử dụng và được hạch toán trên cơ sở thực thu - thực chi. Quỹ bảo trì này sẽ được chuyển cho Ban Quản trị quản lý ngay khi Ban Quản trị được thành lập. 


Các lưu ý khi kiểm toán Quỹ bảo trì mà chúng tôi thường gặp phải:


2% trên tổng giá trị trước thuế của căn hộ: kiểm toán viên cần xác định giá trị bán có phù hợp hay không và chọn mẫu, yêu cầu CĐT cung cấp các số liệu tổng hợp và chi tiết để đảm bảo con số 2% tính toán này là phù hợp.


Tính toán lại phần chung -  phần riêng: Xác định phần chung phần riêng sẽ dẫn tới việc tính 2% có chính xác hay không cho phần chưa bán/ giữ lại của chủ đầu tư. Để xác định được phần chung - riêng thường công ty kiểm toán sẽ được cung cấp bản vẽ hoàn công của dự án  để tính lại số liệu này. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều CĐT cung cấp bản vẽ hoàn công nhưng không thực sự giống bản vẽ thực trạng dự án, do vậy tranh chấp về phần chung - riêng vẫn còn có nhiều bên không đồng ý được. Các phần chung hay tranh chấp: văn phòng làm việc của CĐT tại dự án, bãi xe, bản vẽ được sữa chữa lại để tăng diện tích thuê/ bán của CĐT.


Các góp ý cho Ban Quản trị:


Dựa trên bản vẽ bàn giao của CĐT và kiểm tra lại bản vẽ thực tế của chung cư để xác định rõ phần chung phần riêng – gửi văn bản ngay cho CĐT nếu có sự chênh lệch giữa bản vẽ và thực tế.


Yêu cầu xác nhận bằng văn bản của CĐT cho các phần chung này để đảm bảo không có sự thay đổi từ CĐT trong tương lai


Yêu cầu bàn giao  Quỹ bảo trì trên từng phần: lần 1 cho số lượng căn hộ đã bán, lần 2 cho phần riêng mà CĐT giữ lại và lần 3 cho toàn bộ tiền lãi tính trên quỹ bảo trì.


Mỗi một chung cư  có tình trạng pháp lý tòa nhà khác nhau, Quy chế vận hành – quy chế tài chính khác nhau, cách ký kết hợp đồng với Công ty quản lý khác nhau,  do vậy, các lưu ý nêu trên có thể không áp dụng cho toàn bộ các chung cư.


Link gốc: https://russellbedford.vn/vi/index.php?option=com_content&view=article&id=244:quan-ly-nha-chung-c-cac-lu-y-t-kiem-toan-vien&catid=10:kim-toan&Itemid=16

Chung cư New Saigon bị truy thu gần 1,5 tỷ đồng tiền thuế

Từ kiến nghị của dân về minh bạch tài chính của Ban quản trị chung cư New Saigon, Chi cục thuế Nhà Bè đã tiến hành kiểm tra và truy thu gần 1,5 tỷ đồng tiền thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn từ 2017 đến 9/2018.


Ban quản trị chung cư New Saigon (hay còn gọi là chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3) vừa gửi văn bản báo cáo đến các tổ chức chính trị xã hội không đồng tình kết luận của Đoàn kiểm tra thuế. Ban Ban quản trị đã ký phụ lục Biên bản kiểm tra thuế và Biên bản vi phạm hành chính về hóa đơn, với mức truy thu thuế lên đến gần 1,5 tỷ đồng. 


Theo đó, tổng thuế truy thu năm 2017 là 806,4 triệu đồng (gồm thuế GTGT: 403 triệu đồng và thuế TNDN: 403,4 triệu đồng) và 9 tháng đầu năm 2018 là 670,4 triệu đồng (gồm thuế GTGT: 362,1 triệu đồng và thuế TNDN: 308,3 triệu đồng).


Ban quản trị chung cư cũng cho rằng, theo kết luận của Đoàn kiểm tra, nếu chỉ có lỗi về hóa đơn, thì chung cư sẽ phải nộp thêm 20%, tức khoảng 162 triệu đồng cho năm 2017, 135 triệu đồng cho 9 tháng đầu năm 2018. Còn nếu có lỗi trốn thuế thì chung cư phải nộp 100%, tức nộp thêm khoảng 1,5 tỷ đồng nữa, chưa kể đến khoản tiền phạt nộp chậm tính theo ngày (0,03%/ngày).


Trích dẫn ý kiến của Đoàn kiểm tra về các hoạt động kinh doanh trong chung cư và phải chịu thuế bao gồm phí trông giữ xe (cư dân, vãng lai), phí phát hành thẻ giữ xe, tiền nước sinh hoạt, vé bơi, lãi vay, cho thuê mặt bằng,…ngoại trừ phí quản lý thuộc đối tượng được miễn thuế, Ban quản trị cho rằng, nguyên nhân bị truy thu thuế là do sự khác nhau về nhận thức trong khi các quy phạm pháp luật chưa quy định rõ ràng và chi tiết đối với loại hình hoạt động “tự quản, tự thu - tự chi” của Ban quản trị chung cư.


Cư dân treo băng rôn phản đối Ban quản trị.


Căn nguyên dân bức xúc


Theo quan sát, từ việc Ban quản trị thu tiền nước của các hộ dân trong chung cư bằng phiếu thu không rõ ràng, nên một số hộ dân đã yêu cầu Ban quản trị cung cấp hóa đơn thuế ghi rõ số lượng tiêu thụ, đơn giá cho từng chỉ số tính định mức đối với chi phí tiền nước mà hộ dân phải trả hàng tháng. Tuy nhiên, Ban quản lý chỉ cấp hóa đơn thuế cho các hộ dân có yêu cầu xuất hóa đơn, đồng thời thu thêm phí xuất hóa đơn là 10% được thể hiện trên phiếu thu. 


Theo Quyết định 103/2009 của UBND TP.HCM ngày 24/12/2009 về điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng mua sỉ nước sạch tại các khu chung cư được giảm 10% đơn giá nước quy định tại điều 1 Quyết định này. Vì thế, việc thu tiền nước trên hóa đơn thuế do Ban quản trị chung cư xuất cho từng hộ dân theo giá bán lẻ (tức chưa được giảm 10% đơn giá theo Quyết định nêu trên) và thu thêm 10% phí xuất hóa đơn bằng phiếu thu, điều này đã tạo nên sự chênh lệch giữa giá nước trên phiếu thu và hóa đơn thuế đồng nghĩa với việc cư dân phải nộp đến 2 lần thuế. 


Phúc đáp đơn đề nghị của ông Đặng Xuân Hồi – chủ một căn hộ cư dân sinh sống tại chung cư vào ngày 17/5/2019, bà Phạm Thị Thanh Hương – đại diện Chi cục thuế Huyện Nhà Bè cho biết, “Ban quản trị chung cư New Saigon đăng ký kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp và thu tiền nước sinh hoạt nhưng không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa dịch vụ, đồng thời thu thêm 10% phí xuất hóa đơn bằng phiếu thu là không đúng quy định tại điểm b, Khoản 1 điều 16 Thông tư số 39/2014 ngày 31/3/2014, đối với trường hợp người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ”.


“Đối với khoản thu thêm 10% trên doanh thu là khoản thu thêm của Ban quản trị nên Chi cục thuế xác định doanh thu tính thuế bao gồm cả khoản thu 10% căn cứ theo Điểm c, Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 219/2013 ngày 31/12/2013 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng. Theo đó, doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng ”.


Đoàn kiểm tra thuế kết luận, tiền thuế 10% Ban quản trị thu hộ và nộp hộ cho các cư dân lấy hóa đơn Phí quản lý, tiền nước sinh hoạt là doanh thu và đồng thời tiếp tục yêu cầu Ban quản trị đóng thuế 10% trên doanh thu này.


Với lý do chưa biết lấy số tiền đóng thuế trên doanh thu từ đâu, Ban quản trị đã thông báo rộng rãi đến cư dân bằng văn bản số 07/2019/TB ngày 27/5/2019 về việc tạm thời không xuất hóa đơn cho 2 loại phí trên cho đến khi có kết luận mới của Hội nghị Khu căn hộ.


Đánh nhau ngay tại cuộc họp giữa cư dân và Ban quản trị


Ban quản trị chung cư đã tổ chức họp thường niên với cư dân về số tiền thuế bị truy thu.


Tại cuộc họp này, một số cư dân ý kiến yêu cầu công bố rõ ràng quyết định truy thu của Chi cục thuế Nhà Bè và công khai chi phí hoạt động tài chính vận hành chung cư nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Ban quản trị. Thậm chí tình hình căng thẳng hơn khi nổ ra tranh cãi, ngăn cản cư dân nêu ý kiến và xảy ra hiện tượng đánh nhau ngay tại cuộc họp.


Quá bức xúc, cư dân đồng tình treo băng rôn, khẩu hiệu trước ban công căn hộ ngày càng tăng, yêu cầu Ban quản lý cung cấp các chứng từ thu chi để dân kiểm tra, cung cấp giấy xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ về các phụ tùng thang máy,.. Băng rôn của dân cũng thể hiện họ không đồng tình với việc Ban quản lý thu tiền thuế của cư dân nhưng không nộp thuế cho Nhà nước dẫn đến hậu quả “chung cư bị truy thu thuế lên đến hàng tỷ đồng”; Không xuất hóa đơn thuế là vi phạm pháp luật. Thậm chí cư dân còn phản đối đích danh Trưởng Ban quản trị Trần Duy Linh đã cắt nước sinh hoạt của cư dân trái pháp luật… 


Cư dân giãi bày, chung cư này hiện đang phải đối mặt với nguy hiểm về sự mất an toàn của hệ thống thang máy được sử dụng trong 10 năm qua. Điển hình là nhiều trường hợp thang máy không hoạt động, khiến cho cư dân không mở cửa ra ngoài được, thậm chí cư dân “khủng hoảng” khi đang đi thang máy và lâm vào tình trạng rơi tự do 1-2 tầng,…


Chung cư New Saigon tọa lạc tại đường Nguyễn Hữu Thọ, Xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, gồm có 4 block, cao 26 tầng, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2009. Đến nay, chung cư có 1.104 hộ dân đang sinh sống. 


Linh Anh

Ban quản trị là 'vua' chung cư?

TTO - Không chỉ giữa cư dân với nhau, trong chung cư còn xảy ra đủ chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong hành xử giữa ban quản trị - chủ đầu tư - cư dân. Âm ỉ lâu ngày, những mâu thuẫn càng trở nên gay gắt, bất ổn.


Đối thoại là cách để các bên trong chung cư giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh. Trong ảnh: đối thoại giữa cư dân, chủ đầu tư và ban quản trị ở một chung cư tại quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: N.L.


Theo quy định, ban quản trị (BQT) là một nhóm người do cư dân bầu để đại diện cư dân thực hiện những công việc được cư dân quyết qua hội nghị nhà chung cư. Nhưng nhiều BQT chung cư ở TP.HCM quên mất điều này, mà tự ý xem mình như người có quyền lực nhất trong cộng đồng.


Lạm quyền, trục lợi


Nhiều BQT lập nhóm chia phe nhằm chia chác những khoản lợi từ việc vận hành chung cư, dẫn đến những bất đồng, bức xúc của cư dân.


Ông Nguyễn Linh - cư dân một chung cư ở Q. Phú Nhuận, TP.HCM - vẫn còn bức xúc khi kể về BQT cũ đã quản lý chung cư này hơn 5 năm. Các thành viên BQT đã tự quyết chuyện vận hành, quản lý chung cư mà không lấy ý kiến cư dân về các vấn đề liên quan. 


Những khoản thu phí dịch vụ từ các công ty viễn thông, truyền hình cáp, phí đậu taxi... cũng không được BQT công khai thu bao nhiêu, chi những khoản nào. 


"Người dân còn nghi ngờ BQT nhận tiền để các công ty truyền hình cáp, viễn thông cung cấp dịch vụ độc quyền cho chung cư, khiến người dân không được quyền lựa chọn dịch vụ khác" - ông Linh cho biết.


Chuyện lạm quyền của BQT cũ tại chung cư P (Q.Bình Tân) cũng là đề tài "nóng" tại chung cư này một thời gian dài. Chung cư P không có quỹ bảo trì nên khi thang máy hư, mỗi hộ dân thống nhất đóng 3 triệu đồng để sửa. 


Tổng số tiền thu được gần 1 tỉ đồng, nhưng khi sửa được 3 trong số 6 thang máy thì BQT thông báo chỉ còn 200 triệu đồng mà không công khai các khoản thu chi.


Dân chung cư P bức xúc nhưng trưởng BQT không chịu đối thoại, nên họ đành gửi đơn tố cáo, khiếu nại khắp nơi. Tuy vậy, đến nay chung cư đã có BQT mới nhưng những thành viên BQT cũ vẫn không bàn giao, tất toán các khoản thu chi cùng báo cáo tài chính, hóa đơn... cho người mới.


Mâu thuẫn là "nghỉ chơi"


Tại một chung cư ở Q.Thủ Đức, giữa chủ đầu tư và BQT có xảy ra mâu thuẫn. Vậy là BQT lại quay sang "làm khó" những người đang kinh doanh trong khu thương mại (thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư).


Khách đến giao dịch ở các khu thương mại trong chung cư này không được gửi xe trong tầng hầm và tầng trệt chung cư. Các đơn vị thuê tầng thương mại muốn đưa bàn ghế, thiết bị vô trang trí phòng ốc bị buộc phải có sự đồng ý của BQT... 


"Trưởng BQT bận đi làm cả ngày, tối mới về, người kinh doanh nơi đây muốn có chữ ký đồng ý của BQT phải chờ đến tối mới gặp được" - một người thuê tầng thương mại của chung cư cho biết. Sau thời gian dài mâu thuẫn, cuối cùng chủ đầu tư phải bán rẻ những phần diện tích thuộc sở hữu của mình tại chung cư để tránh va chạm.


Ở chung cư S tại Q.Bình Thạnh, BQT không mâu thuẫn với chủ đầu tư mà mâu thuẫn với nhau. Một thành viên BQT do bất đồng ý kiến đã "nghỉ chơi", không chịu hợp tác với các thành viên khác trong một thời gian dài. 


Do thành viên này không đồng ý ký các chứng từ nên BQT không thể chi các khoản tiền trả cho đơn vị quản lý vận hành, tiền điện, tiền nước... Sự việc sau đó phải nhờ chính quyền đứng ra can thiệp mới tạm ổn.


Chưa hết, khi hội nghị nhà chung cư được tổ chức lại, thành viên này không được bầu lại. Người này đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền và UBND quận, cho rằng việc tổ chức hội nghị nhà chung cư này sai quy định. 


Vì khiếu nại này, UBND quận chưa ra quyết định công nhận BQT chung cư mới khiến những khoản chi phí sửa chữa, bảo trì nhà chung cư bị ngưng trệ, làm ảnh hưởng đến an toàn của chung cư và cư dân.


Tránh né "thượng đế"


Khi bán căn hộ, nhiều chủ đầu tư ngon ngọt xem khách hàng là "thượng đế", hứa hẹn đủ loại tiện nghi gắn liền với dự án. Tuy nhiên, khi người mua nhận nhà thực tế và thấy không đúng như cam kết ban đầu thì chủ đầu tư lại chơi chiêu né tránh. Ở nhiều nơi, cư dân bức xúc tụ tập, căng băng rôn phản đối, gửi đơn kêu cứu khắp nơi thì chủ đầu tư mới xuất hiện.


Ông N.T.V., chung cư H (Q.Bình Tân), kể khi ông tìm hiểu dự án, nhân viên bán hàng dẫn đi xem một block xây dựng xong trước đó có nhà giữ xe ở tầng trệt và tầng một. Nhưng khi chung cư đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư đem tầng để xe cho thuê bán cà phê và mở trung tâm ngoại ngữ..., còn xe của cư dân để ở công viên.


Người dân phản ảnh, cuộc họp nào chủ đầu tư cũng hứa sẽ giải quyết ổn thỏa cho cư dân trong thời gian ngắn nhất, nhưng đến hạn cuối lại thò ra lý do khác để không thực hiện... và hứa tiếp. "Đến giờ, người dân không còn niềm tin chủ đầu tư sẽ hành xử đúng mực" - ông V. chia sẻ.


Ông H.V.T., cư dân tại chung cư LH (Q.8), kể chủ đầu tư cơi nới phần diện tích tầng thượng để cho thuê, chuyển đổi công năng thương mại ở một số tầng thành căn hộ để bán.


Cư dân bức xúc, đề nghị gặp mặt nói chuyện nhưng chủ đầu tư năm lần bảy lượt tránh mặt. Mãi một thời gian sau, chủ đầu tư mới cho nhân viên làm việc với người dân, chủ yếu ghi nhận ý kiến để báo cáo ban giám đốc.


DƯƠNG NGỌC HÀ - TIẾN LONG
Link gốc https://nhadat.tuoitre.vn/ban-quan-tri-la-vua-chung-cu-20180411085803599.htm

Tìm hiểu sự khác biệt giữa phí quản lý chung cư và phí bảo trì chung cư


1. Phí bảo trì nhà chung cư:


Trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về phí bảo trì nhà chung cư bởi vì đây là loại phí chúng ta phải nộp đầu tiên ngay sau khi đặt bút ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Có thể rất nhiều người không để ý bởi vì có thể nó được tích hợp trong giá mua căn hộ, có thể nó sẽ tách ra nhưng nó là một phần của hợp đồng mua bán căn hộ theo luật định.


Giá trị của phí này thường là 2% giá bán căn hộ và tỷ lệ này chưa thay đổi kể từ khi áp dụng. Đối với các tòa nhà, cụm tòa nhà quy mô lớn, tổng số tiền thu phí bảo trì có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.


Mục đích chi của quỹ bảo trì đã được nêu rõ tại điều 34 của thông tư 02/2016/TT-BXD, tóm tắt lại như sau:


- Bảo trì các hệ thống thuộc sở hữu chung của tòa nhà, bao gồm thang máy, máy phát điện, máy bơm nước, hệ thống thông gió, hệ thống điện, hệ thống nước, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy… và các thiết bị khác dùng cho nhà chung cư.


- Xử lý ứ nghẹt, hút bể phốt định kỳ, cấy vi sinh cho hệ thống nước thải của tòa nhà.


- Các hạng mục khác của nhà chung cư thuộc quyền sở hữu chung của tòa nhà có trong thỏa thuận của hợp đồng mua bán, cho thuê theo pháp luật.


- Chi tiết khác xem tại thông tư nói trên.


Như vậy, về mặt bản chất thì phí bảo trì để bảo trì, sửa chữa, nâng cấp những hạng mục lớn thuộc sở hữu chung của tòa nhà. Quỹ bảo trì khi chưa thành lập ban quản trị thì chủ đầu tư là người nắm giữ và quản lý. Sau khi ban quản trị được thành lập theo pháp luật thì chủ đầu tư bàn giao lại cho ban quản trị chung cư kèm theo sổ sách, chứng từ đối chứng đầy đủ. Thông qua quy định tại quy chế hoạt động của ban quản trị cũng như Hội nghị nhà chung cư thì quỹ bảo trì sẽ được quản lý và hoạt động theo pháp luật và theo quy chế của từng tòa nhà.


2. Phí dịch vụ tòa nhà.


Phí dịch vụ tòa nhà về mặt bản chất là để dành duy trì các hoạt động thường xuyên của tòa nhà, trong đó quan trọng nhất là dành để chi phí cho quản lý vận hành tòa nhà. Cư dân chung cư, người sở hữu, người thuê căn hộ, diện tích khác bên trong tòa nhà là người phải đóng góp phí dịch vụ. Vậy, ban quản trị là tổ chức đại diện cho cư dân của tòa nhà có được quản lý phí dịch vụ tòa nhà hay không?


Trên thực tế, ban quản trị hoặc chủ đầu tư sẽ thường ủy quyền cho ban quản lý tòa nhà thu và chi trong hạn mức, khoản mục cho phép liên quan đến phí dịch vụ tòa nhà. Bởi trên hết, họ không có đủ nguồn lực cũng như thời gian để thực hiện công việc thu và chi quỹ dịch vụ này. Hơn nữa, tích hợp trong công tác quản lý, bộ phận hành chính và tài chính của ban quản lý có thể dễ dàng và thực hiện việc này một cách nhanh chóng, chuyên nghiệp và chính xác. Nguồn thu từ phí dịch vụ tòa nhà sẽ dùng để:


- Chi trả dịch vụ quản lý vận hành nhà tòa nhà.


- Chi trả điện, nước công cộng.


- Chi trả tiền sữa chữa, bảo dưỡng nhỏ (sửa chữa lớn dùng quỹ bảo trì).


- Chi trả tập huấn phòng cháy chữa cháy định kỳ.


- Chi một số các quỹ khác theo quy định.


Thông qua những phân tích ở trên, quỹ bảo trì và phí dịch vụ cùng là do cư dân đóng góp nhưng dưới các hình thức, mục đích và danh mục chi khác nhau. Do vậy, phân cấp quản lý cũng khác nhau. Quan bài viết này, mong rằng quý khách hàng không có sự nhầm lẫn giữa hai loại phí khi ở chung cư và thuê diện tích trong tòa nhà.


Theo housecarevn.com.vn

Quy định pháp luật về quy chế hoạt động của Ban quản trị chung cư

Quy chế hoạt động và quy chế thu - chi tài chính của Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư do hội nghị nhà chung cư thông qua, bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của Quy chế này, quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan, cụ thể tại Điều 24 Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định:

Cơ sở pháp lý:
Luật nhà ở 2014
- Thông tư 02/2014/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư

1. Quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư

Bao gồm các nội dung sau đây:

- Mô hình hoạt động của Ban quản trị; mối quan hệ giữa các thành viên Ban quản trị và giữa Ban quản trị với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư;

- Nguyên tắc tổ chức họp Ban quản trị, bao gồm quy định về người triệu tập họp, điều kiện họp, người chủ trì họp, nội dung biên bản họp, cách thức biểu quyết, quyết định các vấn đề thuộc trách nhiệm, quyền hạn của Ban quản trị, hiệu lực các quyết định của Ban quản trị;

- Quyền, nghĩa vụ của Ban quản trị và trách nhiêm cụ thể của từng thành viên Ban quản trị, trong đó nêu rõ trách nhiệm ký các văn bản của Ban quản trị, ký kế kết hợp đồng với đơn vị quản lý vận hành, đơn vị bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư; trách nhiệm điều hành, ký văn bản khi vắng mặt Trưởng ban hoặc Phó ban quản trị; trách nhiệm quản lý con dấu của Ban quản trị (nếu có con dấu);

- Quyền được cung cấp thông tin và trách nhiệm cung cấp thông tin giữa các thành viên Ban quản trị;

- Việc tiếp nhận, phản hồi các kiến nghị của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, việc xử lý các trường hợp liên quan đến việc bãi miễn, miễn nhiệm thành viên Ban quản trị và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người có hành vi vi phạm;

- Cơ chế báo cáo, thông qua quyết định các khoản chi của Ban quản trị; người chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ, giấy tờ hoạt động của Ban quản trị;

- Các nội dung khác tùy thuộc vào đặc điểm của từng tòa nhà, cụm nhà chung cư.

2. Quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư

Khoản 3 quy định quy chế gồm các nội dung sau:

- Quy định về các khoản thu do Ban quản trị quản lý, tên người đứng chủ tài khoản hoạt động, tài khoản quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung do Ban quản trị quản lý, quy định về kỳ hạn tiền gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư;

-  Quy định về mức thù lao của từng thành viên Ban quản trị và các chi phí phục vụ cho hoạt động của Ban quản trị;

-  Phân công trách nhiệm trong việc thu kinh phí, thay mặt quản trị để ký duyệt chi các kinh phí hoạt động của Ban quản trị, ký văn bản đề nghị rút kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và ký các giấy tờ thanh quyết toán chi phí với đơn vị bảo trì, đơn vị quản lý vận hành;

- Quy định quy trình rút tiền và các hồ sơ giấy tờ cụ thể để làm thủ tục rút tiền tại các khoản do Ban quản trị đang quản lý;

- Phân giao trách nhiệm ghi chép, quản lý sổ sách, hóa đơn chứng từ thu, chi tài chính của Ban quản trị;

- Quy định mức tiền mặt tối đa Ban quản trị được rút để trực tiếp thanh toán cho đơn vị thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; quy định mức kinh phí Ban quản trị được sử dụng để bảo trì các công việc đột xuất mà không phải họp hội nghị nhà chung cư hoặc xin ý kiến của các chủ sở hữu nhà chung cư để quyết định;

- Quy định hình thức xử lý vi phạm khi có hành vi chi tiêu sai mục đích hoặc chiếm dụng kinh phí do Ban quản trị quản lý hoặc có sai phạm trong ghi chép, quản lý sổ sách hóa đơn, chứng từ thu, chi tài chính của Ban quản trị;

- Quy định mức tiền mặt tối đa Ban quản trị được rút để trực tiếp thanh toán cho đơn vị thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; quy định mức kinh phí Ban quản trị được sử dụng để bảo trì các công việc đột xuất mà không phải họp hội nghị nhà chung cư hoặc xin ý kiến của các chủ sở hữu nhà chung cư để quyết định;

- Quy định hình thức xử lý vi phạm khi có hành vi chi tiêu sai mục đích hoặc chiếm dụng kinh phí do Ban quản trị quản lý hoặc có sai phạm trong ghi chéo, quản lý sổ sách hóa đơn, chứng từ thu, chi tài chính;

- Quy định các nội dung khác có liên quan.

Trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản trị chung cư

Quy định của pháp luật về ban quản trị nhà chung cư. Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng gì theo quy định của pháp luật mới nhất năm 2021.

Ban quản trị chung cư do một chủ sở hữu hoặc nhiều chủ sở hữu thành lập. Tùy theo từng trường hợp mà Luật nhà ở quy định ban quản trị chung cư bắt buộc thành lập hoặc không bắt buộc. Theo Điều 103 Luật nhà ở 2014 thì: 

Không buộc thành lập ban quản trị chung cư: Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ. Nếu thành lập Ban quản trị nhà chung cư được thực hiện như sau:

- Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu, thành phần Ban quản trị bao gồm đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư;

Buộc phải lập ban quản trị: 

- Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Thành phần Ban quản trị nhà chung cư gồm đại diện các chủ sở hữu nhà chung cư, đại diện chủ đầu tư (nếu có); trường hợp người sử dụng nhà chung cư tham gia Hội nghị nhà chung cư thì thành phần Ban quản trị nhà chung cư có thể gồm cả người sử dụng.

- Ban quản trị nhà chung cư có một chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình tự quản. Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức và hoạt động theo mô hình Hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình Ban chủ nhiệm của hợp tác xã, có tư cách pháp nhân, có con dấu và thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 104 của Luật nhà ở 2014.

- Ban quản trị chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư bầu, bãi nhiễm. Việc bầu, bãi miễn thành viên Ban quản trị được thực hiện qua Hội nghị nhà chung cư theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ xây dựng ban hàng. 

Căn cứ Điều 104 Luật nhà ở 2014 và Điều 41 Thông tư 02/2016/TT-BXD thì Ban quản trị nhà chung cư có các quyền và nghĩa vụ sau: 

- Đôn đốc, nhắc nhở các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc thực hiện nội quy, quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư;

- Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật nhà ở 2014 và quyết định của Hội nghị nhà chung cư; báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này;

- Đề nghị Hội nghị nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;

- Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư hoặc đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 102 của Luật nhà ở 2014.

- Trường hợp nhà chung cư không yêu cầu phải có đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 105 của Luật nhà ở 2014 và được Hội nghị nhà chung cư giao cho Ban quản trị thực hiện quản lý vận hành thì Ban quản trị nhà chung cư thực hiện việc thu, chi kinh phí quản lý vận hành theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;

- Ký kết hợp đồng với đơn vị có năng lực bảo trì nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và giám sát hoạt động bảo trì. Việc bảo trì phần sở hữu chung có thể do đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư hoặc đơn vị khác có năng lực bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện;

- Thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người sử dụng nhà chung cư về việc quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ nhà chung cư để phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét, giải quyết;

- Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong nhà chung cư;

- Thực hiện đúng quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua, không được tự bãi miễn hoặc bổ sung thành viên Ban quản trị nhà chung cư;

- Được hưởng thù lao trách nhiệm và các chi phí hợp lý khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khi thực hiện quyền và trách nhiệm không đúng với quy định tại khoản này;

- Thực hiện các công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái với quy định pháp luật.

- Nhận bàn giao, lưu trữ, quản lý hồ sơ nhà chung cư; cung cấp một bộ hồ sơ đã nhận bàn giao từ chủ đầu tư cho đơn vị quản lý vận hành trong trường hợp nhà chung cư phải có đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Quy chế kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD, trừ trường hợp đơn vị quản lý vận hành là chủ đầu tư; 

-  Chuẩn bị các nội dung và tổ chức họp hội nghị nhà chung cư theo quy định của Quy chế kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD; thông báo công khai nội dung hợp đồng quản lý vận hành và hợp đồng bảo trì đã ký kết tại hội nghị nhà chung cư; 

- Báo cáo kết quả hoạt động, thu, chi tài chính của Ban quản trị, kết quả công việc bảo trì và việc thu, chi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư để hội nghị nhà chung cư kiểm tra, giám sát, thông qua theo quy định của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD

- Thay mặt chủ sở hữu để thực hiện các quyền đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật nhà ở 2014 và Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD; không được kích động người khác gây mất trật tự, an ninh tại khu vực nhà chung cư; 

- Chịu trách nhiệm trước các chủ sở hữu nhà chung cư về nhiệm vụ được giao; chấp hành đúng quy chế hoạt động, quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị; 

- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức họp hội nghị nhà chung cư, công nhận Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD; tổ chức họp hội nghị nhà chung cư để quyết định thay thế đơn vị quản lý vận hành trong trường hợp đơn vị đang quản lý vận hành không còn đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD; 

- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi chủ đầu tư không bàn giao hồ sơ nhà chung cư, không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định; 

- Bàn giao lại hồ sơ, sổ sách, giấy tờ đang quản lý cho Ban quản trị mới sau khi được công nhận; 

- Thành viên Ban quản trị nếu có hành vi vi phạm Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD và quy định của pháp luật có liên quan thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại;

- Chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện các quyền và trách nhiệm khác quy định trong quy chế hoạt động, quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị đã được hội nghị nhà chung cư thông qua và quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD. 

Nguyên tắc quản lý nhà chung cư

Nguyên tắc quản lý nhà chung cư. Quản lý nhà chung cư được quy định tại những văn bản nào?

Tóm tắt câu hỏi:

Hiện tại có nhiều văn bản quy định về vấn đề quản lý nhà chung cư, vậy nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay được áp dụng như thế nào? Mong Luật sư tư vấn!

Luật sư tư vấn:

Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Người sử dụng nhà chung cư là chủ sở hữu đang trực tiếp sử dụng nhà chung cư hoặc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng hợp pháp căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư thông qua hình thức thuê, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý sử dụng hoặc sử dụng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Các quy định về nhà chung cư hiện tại được áp dụng chung tại các văn bản:



+ Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 02 năm 2016

Theo đó, nguyên tắc chung về quản lý và sử dụng nhà ở chung cư được xác định như sau:

+ Nhà chung cư phải được sử dụng đúng công năng, mục đích thiết kế và nội dung dự án được phê duyệt.

+ Việc quản lý, sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ nội quy quản lý, sử dụng của từng nhà chung cư, quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế này và pháp luật có liên quan.

+ Việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở. Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở và quy chế; việc đóng góp các khoản phí, lệ phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

+ Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành, kinh phí hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư và các khoản phí, lệ phí khác trong quá trình sử dụng nhà chung cư theo quy định của Quy chế này và pháp luật có liên quan; phải chấp hành nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư, quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế tại Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 02 năm 2016 và pháp luật có liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư.

+ Ban quản trị nhà chung cư thay mặt cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng để thực hiện các quyền và trách nhiệm liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế; trường hợp nhà chung cư không bắt buộc phải thành lập Ban quản trị theo quy định của Luật Nhà ở thì các chủ sở hữu, người đang sử dụng tự thỏa thuận phương án quản lý nhà chung cư.

+ Các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được giải quyết theo quy định của Luật Nhà ở, Quy chế theo Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 02 năm 2016 và pháp luật có liên quan.

+ Mọi hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.