Khi nhận được đơn tố cáo cơ quan tổ chức nhà nước phải làm gì?

 


Câu hỏi 12: Khi nhận được đơn tố cáo, cơ quan, tổ chức phải làm gì?


Trả lời:


Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo mà công dân gửi đến. Theo quy định tại Điều 20 Luật tố cáo, cơ quan nhà nước có trách nhiệm phân loại và xử lý như sau: Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày. Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. 


Như vậy, đối với tố cáo bằng đơn thì cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình đều phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết (nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình). Tuy nhiên, nên lưu ý đối với tố cáo trực tiếp mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì không chuyển cho người có thẩm quyền mà hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. 


Nếu xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo có trách nhiệm chuyển hồ sơ, tài liệu và những thông tin về vụ việc tố cáo đó cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan khác có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.


Câu hỏi 13: Thụ lý tố cáo trong trường hợp nào? 


Trả lời:


Điều 20 Luật tố cáo quy định khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày (15 ngày đối với trường hợp phải kiểm tra, xác minh nhiều địa điểm), kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo.


Ngoài ra, nhằm hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, không có cơ sở xem xét, giải quyết, Khoản 2 Điều 20 Luật tố cáo quy định các trường hợp không thụ lý giải quyết tố cáo:


- Tố cáo về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới; 


- Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật; 


- Tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện kiểm tra, xác minh về hành vi vi phạm, người vi phạm pháp luật.


Như vậy, nếu tố cáo thuộc thẩm quyền của mình và không nằm trong các trường hợp không đủ điều kiện thụ lý tố cáo thì người giải quyết tố cáo phải ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo (ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập Đoàn/tổ xác minh hoặc ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo và giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo).


Câu hỏi 15: Khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì người giải quyết tố cáo phải làm gì?

Trả lời:

Khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì người có thẩm quyền phải giải quyết tố cáo. Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:

- Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo: trong thời hạn 10 ngày (15 ngày nếu phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm), kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và người giải quyết tố cáo quyết định việc thụ lý tố cáo hoặc không thụ lý tố cáo. Nếu không thụ lý tố cáo thì phải thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu.

- Xác minh nội dung tố cáo: người giải quyết tố cáo có thể tự tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo.

- Kết luận nội dung tố cáo: căn cứ vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo và các tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo phải kết luận nội dung tố cáo bằng văn bản.

- Xử lý tố cáo;

- Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan khác có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Câu hỏi 18: Khi nhiều người cùng đến tố cáo trực tiếp về cùng một nội dung thì xử lý như thế nào? Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo ở xã, phường, thị trấn?

Trả lời:

Khi nhiều người cùng đến tố cáo trực tiếp về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn họ viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ của những người tố cáo xác nhận vào văn bản. Người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo. Người đại diện phải là người tố cáo. Việc cử đại diện phải bằng văn bản.

Việc cử đại diện được thực hiện như sau:

- Trường hợp có từ 05 đến 10 người tố cáo thì cử 01 hoặc 02 người đại diện;

- Trường hợp có từ 10 người trở lên thì có thể cử thêm người đại diện nhưng tối đa không quá 05 người.
Trường hợp nhiều người cùng đến tố cáo trực tiếp về cùng một nội dung tập trung ở xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công cán bộ tiếp đại diện của những người tố cáo để nghe trình bày nội dung tố cáo; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định pháp luật. Trường hợp tố cáo phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp hoặc chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tiếp đại diện của những người tố cáo để nghe trình bày nội dung tố cáo; chỉ đạo công an cấp xã giữ gìn trật tự công cộng nơi người tố cáo tập trung.

Câu hỏi 27: Quy định về thời hạn giải quyết tố cáo như thế nào? 

Trả lời:

Điều 21 Luật tố cáo quy định: Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

Theo quy định trên, thời hạn 60 ngày, 90 ngày, 30 ngày ở đây được tính liên tục kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo, bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ.



Xem thêm: HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TỐ CÁO, Đề án 1 -1133/QĐ-TTg của Thanh Tra Chính Phủ



Tham dự group Cư dân Luxcity Quận 7 www.facebook.com/groups/cudanluxcityquan7tphcm


Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét