Phân biệt giữa Tố cáo với Khiếu nại, Tố cáo với Tin báo, tố giác về tội phạm

 


Câu hỏi 4: So sánh giữa khiếu nại và tố cáo?


Trả lời:


Tố cáo là hành động nhằm bảo vệ và ngăn chặn khả năng vi phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Những việc làm trái pháp luật không phải chỉ của cán bộ, công chức nhà nước mà của cả các cơ quan, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Những hành vi trái pháp luật thường bị công dân phát hiện và báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật và  xử lý người vi phạm. 


Khiếu nại là hoạt động nhằm bảo vệ hoặc khôi phục các quyền hoặc lợi ích của chính chủ thể khiếu nại khi bị vi phạm, do đó nếu các quyền này bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại sẽ dẫn đến khiếu nại. Chính vì khiếu nại và tố cáo không giống nhau cho nên Pháp lệnh giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại, tố cáo trước đây và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo hiện hành đã quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo khác với thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản giữa tố cáo và khiếu nại là:


Về chủ thể: Chủ thể thực hiện quyền tố cáo theo quy định trong Luật tố cáo chỉ là công dân. Như vậy, khác với khiếu nại, chủ thể khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền khiếu nại. Việc thực hiện quyền tố cáo chỉ quy định cho đối tượng là cá nhân nhằm cá thể hóa trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Về đối tượng: đối tượng bị khiếu nại gồm quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, còn đối tượng của tố cáo rộng hơn, bao gồm mọi hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Bao gồm, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.


Về mục đích: về cơ bản, mục đích của tố cáo là bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, trong khi đó khiếu nại nhằm bảo vệ hoặc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của chính bản thân người tố cáo.


Câu hỏi 5. Phân biệt tố cáo với tin báo, tố giác về tội phạm


Trả lời:


Theo quy định của Luật tố cáo, chủ thể của tố cáo là đối tượng được xác định cụ thể, đó là cá nhân và khi tố cáo, họ phải chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp đối với hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng nhất định. Mặt khác khi công dân thực hiện quyền tố cáo đã phát sinh quan hệ pháp luật về tố cáo, trên cơ sở đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có nghĩa vụ giải quyết và trả lời cho người tố cáo biết. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tố giác về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết” Tin báo về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc do cơ quan, tổ chức cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết”. Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với tin báo, tố giác về tội phạm, chủ thể có thể xác định hoặc không xác định, có thể là cá nhân, có thể là cơ quan, tổ chức. Đối tượng tố cáo là mọi hành vi vi phạm pháp luật, có thể là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc cũng có thể là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, còn tố giác và tin báo về tội phạm thì đối tượng chỉ bao gồm tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật có tính nguy hiểm cao và được quy định trong Bộ luật hình sự.


Như vậy:


- Đối với tố giác, tin báo về tội phạm, được thực hiện theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự


- Đối với tố cáo thì có tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (không phải là hành vi tố tụng) thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật nói chung, bao gồm: vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được thực hiện theo quy định của pháp luật tố cáo; tố cáo đối với hành vi vi phạm điều lệ của các thành viên tổ chức thì được thực hiện theo quy định của Điều lệ của tổ chức đó.




Xem thêm: HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TỐ CÁO, Đề án 1 -1133/QĐ-TTg của Thanh Tra Chính Phủ



Tham dự group Cư dân Luxcity Quận 7 www.facebook.com/groups/cudanluxcityquan7tphcm


Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét