Quyền tố cáo của công dân được pháp luật ghi nhận như thế nào?

 


Câu hỏi 1. Quyền  tố cáo của công dân được pháp luật ghi nhận như thế nào?


Trả lời:


Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước ta ghi nhận qua các thời kỳ. Điều 74 Hiến pháp năm 1992 quy định “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.” 


Điều 30 của Hiến pháp năm 2013 có nêu: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”; “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.


Như vậy, quyền  tố cáo là một trong những quyền cơ bản, thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Theo đó, công dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nhằm thể chế hóa quyền tố cáo của công dân, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII năm 2011, Quốc hội đã thông qua Luật tố cáo. Luật tố cáo đã quy định đầy đủ nhất về quyền tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, hình thức tố cáo, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và  trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, Luật tố cáo quy định về bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.


Ngoài Luật tố cáo có quy định cụ thể về quyền tố cáo của công dân, còn có các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về tố cáo như Bộ Luật tố tụng hình sự quy định quyền tố cáo trong tố tụng hình sự; Bộ Luật dân sự quy định quyền tố cáo trong tố tụng dân sự…


Câu hỏi 2. Tố cáo là gì? 


Trả lời: 


Điều 2, Luật tố cáo quy định:


"Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức".


Như vậy, xét về bản chất việc thực hiện quyền tố cáo thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mà trong đó bên đi tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. 


Bản chất của tố cáo được xem xét dưới các khía cạnh sau đây:


Một là: chủ thể thực hiện quyền tố cáo chỉ là công dân. Khác với khiếu nại, là cả công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền khiếu nại. Quy định này nhằm cá thể hoá trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. 


Hai là: đối tượng tố cáo là các hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Luật tố cáo quy định có hai loại hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo gồm: (1) hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2) hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.


Ba là: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về nguyên tắc, người tố cáo có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan nhà nước. Trong trường hợp người tố cáo bằng đơn mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhận được đơn thì cơ quan đó có trách nhiệm chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiếp nhận thì người tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.


Bốn là: Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bao gồm: (1) tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; (2) xác minh nội dung tố cáo; (3) kết luận nội dung tố cáo; (4) xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và (5) công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.


Năm là: Bản chất của kết quả giải quyết tố cáo, nếu người bị tố cáo vi phạm pháp luật thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; nếu hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát của thẩm quyền để giải quyết tố cáo; trường hợp người bị tố cáo không vi phạm thì phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người tố cáo, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.


Câu hỏi 3: Ai có quyền tố cáo?


Trả lời:


Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo thì chỉ có công dân mới có quyền tố cáo. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật tố cáo cũng có ý kiến cho rằng ngoài chủ thể tố cáo là công dân thì cần mở rộng chủ thể tố cáo gồm cả cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ với những cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân, hoàn toàn có thể tham gia một cách độc lập vào các quan hệ kinh tế - xã hội và có khả năng chịu sự tác động của các hành vi vi phạm pháp luật, do đó cần ghi nhận quyền tố cáo của cơ quan, tổ chức để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và đây cũng là một biện pháp tích cực, chủ động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức.


Thực tiễn cho thấy, chủ thể thực hiện việc tố cáo là cơ quan, tổ chức là không nhiều. Nội dung tố cáo của nhóm chủ thể này thường thiên về phản ánh, kiến nghị. Việc thực hiện quyền tố cáo của một chủ thể sẽ làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân. Việc quy định công dân có quyền tố cáo là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp và chính sách hình sự của nước ta - cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Theo đó, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố cáo của mình, nếu tố cáo sai sự thật thì phải bị xử lý về hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Vì vậy, nếu cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo thì có thể làm phát sinh những vấn đề phức tạp trong việc quy định cách thức để các chủ thể này thực hiện quyền tố cáo như việc xác minh thông tin về người tố cáo, việc bảo vệ bí mật, xác định trách nhiệm của người tố cáo trong trường hợp tố cáo sai sự thật.


Như vậy, chỉ công dân, cá nhân mới có quyền tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.



Xem thêm: HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ TỐ CÁO, Đề án 1 -1133/QĐ-TTg của Thanh Tra Chính Phủ



Tham dự group Cư dân Luxcity Quận 7 www.facebook.com/groups/cudanluxcityquan7tphcm


Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét